Bản đồ

Bãi đá bảy màu ở biển Cổ Thạch, Bình Thuận

Vị trí: xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Từ thành phố Phan Thiết, theo Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Bắc 90km, đến ngã ba thị trấn Liên Lương, rẽ trái men theo con đường đất đỏ, hai bên đường rì rào rừng phi lao là đến bãi biển Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Bãi đá Cả Dương đẹp như bức tranh thủy mặc
 
Lần theo lối sỏi đá, du khách sẽ tới chùa Cổ Thạch, bà con địa phương thường gọi bằng cái tên dân gian: chùa Hang. Chùa nằm lọt thỏm trong quần thể  hang động núi đá rộng 4ha, cao 64m so với mặt biển. Chùa có kiến trúc theo lối liên hoàn gồm: 
Am- điện-cốc, tiếp theo là nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông. Am cốc thờ tự với câu liễn phi, hoành đối ấn tượng. Trong chùa là “kho” di sản văn hóa Hán-Nôm, và những tài liệu quý có từ ngày đầu lập chùa. Một số cổ vật lịch sử văn hóa như Đại hồng chung, Trống sấm, đều có niên đại từ nửa đầu thế kỷ thứ 19. Mỗi hang động thờ một vị phật, hoặc Bồ tát, hoặc một nhà sư đã viên tịch. 
Từ Chùa Hang có một hang động dài, thông qua Lầu Trống nối với biển Thạch cung. Biển Cổ Thạch xanh biếc, trong vắt có thể nhìn thấy những đàn cá tung tăng bơi lượn dưới đáy biển sâu. Sóng biển Cổ Thạch vừa phải, nhưng nhanh và mạnh. Biển đá cổ hình thành cách đây vài ba trăm năm, có chiều dài khoảng 1km, chiều rộng 300m. Khác với các bãi biển khác, bãi đá ở đây lung linh sắc màu. 
Bãi đá hình thành tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển. Đá được đẩy từ lòng biển trồi nhô lên bờ. Đá có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Hiện tượng đá được đẩy lên bờ ngày nào cũng diễn ra, từ ngàn xưa cho đến nay. Đá không chỉ có màu đen hay màu xám, mà còn nhiều màu sắc nữa: Nâu, vàng, tím, trắng, xanh lam, hồng, đỏ… cùng nhiều đường vân rất đẹp. Dưới những đợt sóng và ánh nắng mặt trời phản chiếu, cả bãi đá màu long lanh, huyền ảo thay đổi theo thời khắc trong ngày làm tăng sự hấp dẫn của bãi biển còn hoang sơ.
Cổng chùa Cổ Thạch
 
Biển Cổ Thạch còn có những bãi đá to, hùng vĩ, dung dị, tạc lên hình dáng khác nhau. Mỗi hòn đá lại gắn liền với một câu chuyện được người đời tưởng tượng thêu dệt đặt cho một cái tên huyền thoại. Có hòn đá như một con voi vươn dài vòi phun nước. Có tảng giống một con đà điểu đang thư giãn bên hồ nước sau một chuyến đi dài. Có tảng như một bàn tay nắm lại, chỉ về nơi xa xăm trên biển cả…
Bao quanh bãi Thạch cung là bãi cát vàng mang tên bãi Tiên. Theo điển tích mà người dân nơi đây kể,  “Nơi đây từ ngày xửa, ngày xưa, các nàng tiên chiều chiều từ trên trời, kéo nhau xuống bãi biển vắng vẻ đẹp mê hồn này tắm… tiên, múa hát. Vì thế mới có tên là bãi Tiên.
Vào mùa trăng, du khách ở lại Cổ Thạch một đêm, dựng lều, đốt lửa trại, ngồi với nhau bên ngọn lửa bập bùng ngắm trăng, thưởng thức món mực “một nắng” đặc sản của vùng này, cùng với sò nướng, người dân quen gọi là con dỏm, chiêu ngụm rượu cá ngựa ngâm thuốc Bắc thì thật là tuyệt vời. 
Nguồn: dulichvietnam.com